Endeavor Việt Nam đại diện nhóm doanh nghiệp công nghệ gửi kiến nghị đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Endeavor Việt Nam đại diện nhóm doanh nghiệp công nghệ gửi kiến nghị đóng góp  cho Dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam.

HỒ CHÍ MINH, Ngày 3 tháng 6 năm 2025 – Hôm nay, Công ty Cổ phần Endeavor Việt Nam đại diện một nhóm các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, bao gồm các Công ty TNHH ZenX (Ninety Eight), Công ty TNHH Web3, Công ty Cổ Phần Oraichain Labs, Công ty TNHH Sky Mavis đã chính thức gửi kiến nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam đến Chính phủ, và các cơ quan bộ ngành liên quan thuộc chính phủ.

Kiến nghị đề xuất loại trừ các hoạt động phát triển công nghệ và cung cấp dịch vụ kỹ thuật thuần túy trong lĩnh vực tài sản mã hóa ra khỏi phạm vi áp dụng của Dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam (sau đây gọi là “Dự thảo Nghị quyết”).

Động thái này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ chuỗi khối blockchain Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ “chảy máu chất xám” và đảm bảo Việt Nam không bị tụt lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước đối với các dịch vụ tài chính liên quan đến tài sản mã hóa.

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong những năm qua đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế thông qua việc phát triển và cung cấp các giải pháp, dịch vụ kỹ thuật liên quan đến tài sản mã hóa cho các đối tác toàn cầu. Hoạt động này không chỉ tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân lực công nghệ thông tin trong nước mà còn đóng góp vào uy tín và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Các hoạt động này chủ yếu bao gồm nghiên cứu, phát triển phần mềm, ứng dụng, hợp đồng thông minh (smart contract) và tương tác kỹ thuật với các nền tảng chuỗi khối (blockchain). Hoạt động phát triển công nghệ đòi hỏi đội ngũ các doanh nghiệp, kỹ sư và lập trình viên tương tác trực tiếp với hệ thống chuỗi khối blockchain công khai để xây dựng, triển khai, kiểm thử và duy trì các hệ thống, ứng dụng, hợp đồng thông minh. Các hoạt động tương tác này có thể bao gồm việc trao đổi, chuyển giao các tài sản mã hóa mang tính kỹ thuật trên cơ sở phi tập trung bằng công nghệ blockchain.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết hiện tại, với quy định chỉ cho phép giao dịch tài sản mã hóa trên cơ sở tập trung thông qua các đơn vị được cấp phép và cấm các hoạt động giao dịch và cung cấp dịch vụ khác không được cấp phép, đang gây ra những lo ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp. Nếu không có sự phân định rõ ràng, các hoạt động phát triển công nghệ và cung cấp dịch vụ kỹ thuật thuần túy có nguy cơ bị hiểu nhầm là các hoạt động bị cấm, từ đó kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo và đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó phát triển.

Do đó, Endeavor Việt Nam và nhóm doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ban ngành xem xét:

  • Loại trừ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết đối với hoạt động phát triển công nghệ và cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực tài sản mã hóa.
  • Loại trừ các hoạt động phát triển công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật của các công ty công nghệ, đội ngũ kỹ sư tin học và lập trình viên tại Việt Nam, ra khỏi phạm vi áp dụng của các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tài sản mã hóa.
  • Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý riêng cho hoạt động phát triển công nghệ và cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực tài sản mã hóa, phù hợp với các chủ trương, chính sách đã có và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Các doanh nghiệp công nghệ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm đạt được mục tiêu kép: vừa đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ chuỗi khối blockchain tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Đính kèm với Thông cáo này là bản kiến nghị đấy đủ đã được gửi tới các cơ quan chính phủ xem xét.

Về Endeavor:

Endeavor Việt Nam là một phần của mạng lưới toàn cầu Endeavor, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nhân có khả năng quy mô hóa doanh nghiệp của mình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên hơn 40 quốc gia. Có mặt tại Việt nam từ cuối năm 2018, Endeavor lựa chọn và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đang trong quá trình mở rộng và đổi mới, bằng cách kết nối với các nhà cố vấn, doanh nhân đi trước và nhà đầu tư có thể  cung cấp tư vấn chiến lược và giúp tiếp cận nguồn vốn.

Với mục tiêu tạo ra những tác động tích cực và lâu dài tới hệ sinh thái khởi nghiệp, Endeavor Việt Nam không chỉ là cầu nối giữa các doanh nhân và cơ hội kinh doanh, mà còn là một nguồn cảm hứng cho thế hệ doanh nhân mới, khuyến khích họ xây dựng và phát triển những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng rộng lớn.

Tính tới năm 2025, Endeavor đã tuyển chọn vào mạng lưới và đang hỗ trợ 39 công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là các công ty công nghệ và có ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh, sản xuất.

Thông tin thêm về Endeavor có thể tìm thấy tại vietnam.endeavor.org

Liên hệ về truyền thông:

Hà Mỹ Mỹ (Ms.)
Email: my.ha@endeavor.org
Điện thoại: 0988082735